BÍ QUYẾT LỰA RAU SẠCH

HIỂU ĐÚNG VỀ RAU SẠCH 

Thực phẩm sạch thường đắt đỏ hơn nhiều so với các loại thực phẩm khác. Rau sạch cũng vậy. Đây là một khái niệm khá phổ biến. Nhưng liệu có phải ai cũng hiểu đúng về nó? 

Nguyên nhân khiến rau sạch hóa bẩn? 

Mọi người thường nghĩ rau tự mình trồng chắc chắn là sạch và đảm bảo an toàn. Nhưng điều này chỉ đúng khi người trồng hiểu đúng về khái niệm rau sạch. Và họ trồng rau tuân thủ ba nguyên tắc cơ bản: đất sạch, nước sạch và phân bón sạch. Nếu rau được trồng tại nhà nhưng vẫn sử dụng các loại thuốc trừ sâu, thuốc kích thích hóa học. Thì loại rau đó không được xem là sạch và an toàn.

Trước khi tìm hiểu về rau sạch, chúng ta cần biết tại sao rau lại trở nên bẩn: 

Đất trồng ô nhiễm: Đất trồng ô nhiễm khi tích tụ các kim loại nặng có nguồn gốc từ tự nhiên hoặc nhân tạo. Các yếu tố tự nhiên như núi lửa, mỏ khoáng sản, lớp đá trầm tích. Còn yếu tố nhân tạo đến từ hoạt động công nghiệp, dư lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. 

Nguồn nước ô nhiễm: Tình trạng này diễn ra khi nguồn nước nhiễm hóa chất độc hại hoặc tích tụ kim loại nặng. Các chất này có thể từ các hoạt động công nghiệp và nông nghiệp. 

Thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học: Các chất này thường được dùng trong trồng trọt. Mục tiêu là giúp cây lớn nhanh, tăng năng suất đồng thời bảo vệ cây trước các loại dịch hại. Nếu được dùng ở liều lượng vượt mức cho phép, các hóa chất này sẽ tích tụ lại trong rau và gây nguy hiểm cho người dùng. 

Vi sinh vật: Các loại này gồm vi khuẩn, nấm, virus trên các cây rau bị nhiễm bệnh. Chúng bắt nguồn từ môi trường hoặc chính các loại phân hữu cơ chưa qua xử lý. 

Thế nào là rau sạch và cách trồng   

Rau sạch là rau hội tụ 3 yếu tố sạch. Đó là đất sạch, nước sạch và phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng phải sạch. Thuốc bảo vệ thực vật là các loại hoá chất độc, giết chết được sâu bọ. Do đó, đây cũng là chất độc đối với con người.

Trồng rau sạch tại nhà hiện đang là xu hướng được ưa chuộng sau đại dịch

Việc tự trồng rau giúp nhiều gia đình bớt lo lắng về nhu cầu thực phẩm sạch hằng ngày. Để trồng rau , bạn cần tuân thủ các bước sau: 

Chọn đất: Vùng đất trồng rau phải chưa bị ô nhiễm bởi các kim loại nặng như thủy ngân, asen… Đất cũng chưa bị ảnh hưởng của nước thải công nghiệp. 

Chọn phân bón: Cần giảm lượng phân đạm bón cho rau xanh. Vì phân đạm chứa nitrat, khi ăn vào, nitrat sẽ chuyển thành nitrit. Chúng sẽ kết hợp với các amin tạo nên các nitro amin gây bệnh. Lượng nitrat trong rau phụ thuộc nhiều vào phương pháp trồng rau sạch tại nhà. Nếu bạn bón càng nhiều phân hóa học thì lượng nitrat càng lớn.

Không phun thuốc trừ sâu: Thuốc trừ sâu gây độc hại cho cơ thể. Do chúng chứa nhiều gốc hóa học như DDT, 666, thủy ngân… Phun thuốc trừ sâu bừa bãi làm đất tích tụ độc tố tồn dư. Nguy hiểm hơn, chúng hòa tan vào các nguồn nước sinh hoạt của người sử dụng. Hiện nay, các chuyên gia khuyến khích bón phân hữu cơ hoại mục hoặc phân vi sinh tổng hợp.